IoT(Internet of Things) đang được nhận định là ngành có nhu cầu nhân lực lớn và mang lại thu nhập cao cho các kỹ sư IoT. Hiện ngành mới này đã được mở tại một số cơ sở đào tạo đại học như: Học viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH FPT, ĐH Điện lực, ĐH Bách khoa TP.HCM… Bài viết này giải đáp thắc mắc của quý phụ huynh và các bạn sinh viên có nên chọn chuyên ngành Hệ Thống IoT của ngành Kỹ Thuật Điện Tử Viễn Thông do Khoa Viễn Thông 2 đào tạo không?
Mục lục
Kiến thức chuẩn đầu ra
Chuyên ngành Hệ thống IoT (*) là một trong 3 chuyên ngành của ngành Kỹ Thuật Điện Tử Viễn Thông do Khoa Viễn Thông 2 đào tạo.
Chuyên ngành Hệ Thống IoT trang bị cho sinh viên những kiến thức sau:
(1) Hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực liên quan đến ngành điện tử viễn thông.
(2) Nắm vững các phương pháp, công cụ để phân tích, thiết kế, phát triển, vận hành mạng, hệ thống và thiết bị viễn thông.
(3) Nắm vững kiến thức về cơ sở dữ liệu, thu thập và phân tích dữ liệu.
(4) Vận dụng tốt kiến thức về hệ thống thông tin và truyền thông, có khả năng tích hợp hệ thống.
(5) Nắm vững các kiến thức, công cụ phù hợp để quản lý và ứng dụng công nghệ truyền thông vào các lĩnh vực thực tế, các ngành khác nhau.
(7) Vận dụng tốt kiến thức để triển khai và phát triển sản phẩm, giải pháp cho các ứng dụng truyền thông trên các nền tảng mạng Internet, hệ thống IoT.
(8) Vận dụng tốt kiến thức về lập trình, có khả năng phát triển các phần mềm ứng dụng IoT.
Các môn học chuyên ngành chính như :
Hệ thống nhúng IoT
Kiến trúc và giao thức IoT
Chuyên đề hệ thống IoT
Chọn chuyên ngành Hệ thống IoT
Chuyên ngành Hệ thống IoT của Khoa Viễn Thông 2 trang bị đầy đủ cho sinh viên những kỹ năng cần thiết về IoT và định hướng những công việc tương lai cho sinh viên:
1. Thiết kế vi mạch
Các thiết bị nối mạng đòi hỏi các công ty phải điều chỉnh và sửa đổi thiết kế chip xử lý để có thể đảm đương các yêu cầu mới. Ví dụ, các ứng dụng với thời lượng pin dài có thể cần bo mạch có thiết kế đặc biệt để tối ưu hóa điện năng tiêu thụ, hoặc có nhiều chip và cảm biến trên một bo mạch.
2. Lập trình vi điều khiển
IoT bao gồm hàng tỷ thiết bị nhỏ kết nối với nhau, trong đó nhiều thiết bị yêu cầu tối thiểu có một bộ vi điều khiển để xử lý các tác vụ thông minh hơn. Các bộ vi điều khiển là những chip nhúng, có giá thành thấp, tiêu thụ nguồn thấp, có chương trình và bộ nhớ dữ liệu được tích hợp trên hệ thống.
3. AutoCAD
Phần mềm thiết kế hàng đầu cho các ứng dụng kỹ thuật AutoCAD đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi số lượng và sự phức tạp của các thiết bị IoT không ngừng tăng. Các sản phẩm thông minh nối mạng thường đòi hỏi các nguyên tắc thiết kế hoàn toàn mới, chẳng hạn như các thiết kế phần cứng chuẩn hoá hoặc cho phép cá nhân hóa.
4. Máy học
Các thuật toán máy học (machine learning) giúp tạo ra các thiết bị, ứng dụng và các sản phẩm khác thông minh hơn bằng cách sử dụng các cảm biến dữ liệu và các thiết bị nối mạng khác. Thuật toán máy học có thể sử dụng để đưa ra dự đoán dựa vào việc xác định mô hình dữ liệu từ các thiết bị này, việc này đòi hỏi các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý dữ liệu lớn và máy học.
5. Hạ tầng an ninh
An toàn thông tin và những lo ngại về việc dữ liệu bị lộ ngày càng nhiều là một trong những trở ngại hàng đầu đối với việc phát triển IoT
6. Dữ liệu lớn (Big Data)
IoT đã làm cho lượng dữ liệu cần phân tích tăng lên rất nhiều. Các công ty cần phải thu thập tất cả dữ liệu có liên quan đến hoạt động kinh doanh đồng thời phải sàng lọc dữ liệu dư thừa và bảo vệ dữ liệu.
7. Kỹ thuật điện tử viễn thông
Việc tạo ra các thiết bị nối mạng thế hệ tiếp theo đòi hỏi cả phần mềm và chuyên môn kỹ thuật điện. “Các kỹ sư điện được đưa vào để giúp phát triển thiết bị nhúng cho các ứng dụng điện thoại di động, kỹ thuật vi ba và vô tuyến (RF)/analog cho các hệ thống thông tin liên lạc và GPS trên những thiết bị này”.
8. Kỹ thuật bảo mật
An ninh là một mối quan tâm rất lớn trên thị trường IoT. Nhiều vụ vi phạm dữ liệu đã nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề bảo mật dữ liệu và sự riêng tư có thể xảy ra nếu một thiết bị nối mạng bị vi phạm hoặc bị hack và dữ liệu bị lộ.
9. Phát triển GPS
Thị trường GPS đang hồi sinh, nhờ IOT. Đặc biệt là các thiết bị đeo, xe thông minh và các công ty hậu cần.
Ứng dụng của IoT trong thực tế
Smart Home – Nhà thông minh:
Đây là ứng dụng phổ biến bật nhất, và là chủ đề IoT được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Smart Home là một ứng dụng cho phép người sử dụng có thể giám sát, điều khiển ngôi nhà của mình từ xa thông qua các thiết bị di động, ngoài ra chúng còn có khả năng nhận biết và thực hiện những công việc như bật/tắt điều hoà, đèn, điện khi có người sắp về nhà. Smart Home có thể nói là một ứng dụng tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi gia đình.
Quản lý các thiết bị cá nhân:
Smart Watch là một ví dụ. Một chiếc đồng hồ đeo tay với khả năng thu thập thông tin sức khoẻ của bạn và đưa ra những thông báo, chỉ thị giúp bạn bảo vệ, rèn luyện sức khoẻ…
Smart Car:
Hãy thử tưởng tượng một con đường với đầy những chiếc xe thông minh với khả năng nhận biết vị trí và tốc độ di chuyển của nhau, với khả năng đó, chúng có thể tránh được nhau, giảm thiểu rủi ro tai nạn.
IoT trong nông nghiệp:
Với sự gia tăng liên tục của dân số đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng lương thực tăng lên nhiều lần. Nông dân có thể áp dụng các kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến để tăng sản lượng sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp thông minh có thể nói là lĩnh vực phát triển nhanh nhất với IoT.
Những thông tin người nông dân thu được giúp họ có những quyết định đầu tư sáng suốt tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như hiện nay. Cảm biến độ ẩm, chất dinh dưỡng của đất, mức độ hấp thụ nước góp phần quan trọng vào việc kiểm soát sự tăng trưởng của cây trồng giúp người gieo trồng có thể xác định, tùy chỉnh lượng phân bón cần thiết.
Chăm sóc sức khỏe:
Một hệ thống chăm sóc sức khỏe được kết nối cùng các thiết bị y tế thông minh mang lại tiềm năng to lớn cho các công ty đầu tư sản xuất. IoT trong chăm sóc sức khỏe giúp mọi người có cuộc sống khỏe mạnh hơn bằng việc đeo các thiết bị kết nối.
Các dữ liệu thu thập được giúp phân tích sức khỏe của người dùng thiết bị kết nối và nhà cung cấp, sản xuất sẽ có được những thiết kế để chống lại bệnh tật. Từ cảm biến thể dục cá nhân đến robot phẫu thuật, IoT trong chăm sóc sức khỏe mang đến những công cụ mới được cập nhật với công nghệ mới nhất trong hệ sinh thái giúp phát triển chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Bán lẻ thông minh:
IoT cung cấp cơ hội cho các nhà bán lẻ kết nối với khách hàng để nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng. Điện thoại thông minh sẽ là cách để các nhà bán lẻ duy trì kết nối với người tiêu dùng ngay cả khi ra khỏi cửa hàng. Tương tác thông qua điện thoại thông minh và sử dụng công nghệ có thể giúp các nhà bán lẻ phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Họ cũng có thể theo dõi đường đi của người tiêu dùng bên trong một cửa hàng để cải thiện cách bố trí cửa hàng và đặt các sản phẩm cao cấp ở khu vực có lưu lượng cao.
Tự động hóa:
Các công xưởng sản xuất xe hơi đã áp dụng công nghệ IoT để cắt giảm hầu hết các công nhân, thay vào đó là các bộ máy tích hợp trí thông minh nhân tạo cho năng suất tăng gấp nhiều lần và độ chính xác cao hơn.
Và nhiều lĩnh vực khác cần đến IoT nữa.
Cơ hội việc làm
Nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu, phát triển nền tảng, thiết bị thông minh và IoT với vai trò nghiên cứu phát triển sản phẩm, giải pháp mới; kỹ sư lập dự án, thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì, giám sát, điều hành kỹ thuật, hỗ trợ khách hàng, kinh doanh các sản phẩm điện tử viễn thông và IoT.
Kỹ sư tại các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp mạng, hạ tầng mạng cho hệ thống thông minh và IoT (Viettel, VNPT, FPT…); Các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, giải pháp IoT; Các lĩnh vực khác cần sử dụng, vận hành hạ tầng, nền tảng hệ thống thông minh và IoT: các cơ quan nhà nước, nước ngoài; nông nghiệp, điện lực, ngân hàng, y tế, giao thông, quốc phòng – an ninh.
Lập trình viên, đặc biệt là thiết kế và phát triển các phần mềm cho các hệ thống thông minh và IoT… tại các công ty phần mềm (FPT Software, VNPT Software…)
Theo thống kê của tạp chí Forbes, một tìm kiếm nhanh trên LinkedIn – mạng xã hội chuyên dùng cho công việc – có thể thu về hơn 11 000 kết quả việc làm có đề cập đến IoT.
Ở Mỹ, một kỹ sư IoT trung bình nhận được 110.000 USD/năm. Ở Anh là 49.000 USD, còn ở Đức là hơn 62.000 USD…
Chuyên ngành Hệ thống IoT cần những kỹ năng gì?
Bạn sẽ có lợi thế nếu học giỏi các môn: Toán học, Phần cứng Máy móc – thiết bị, Phần mềm Máy tính, có kiến thức về mạng viễn thông, cảm biến không dây, lập trình nhúng và lập trình ứng dụng IoT.
Để làm việc, bạn cần phải có kĩ năng và khả năng đưa ra lý luận, sắp xếp thông tin, suy nghĩ khoa học, giải quyết vấn đề, phân tích hệ thống và lập trình, luôn lắng nghe và ham học hỏi có khả năng tự học các công nghệ mới có liên quan.
Có đam mê với việc tìm hiểu, khám phá, phân tích và chế tạo ra các thiết bị cũng như hệ thống IoT có khả năng ứng dụng vào đời sống hàng ngày.
Qua bài viết, hi vọng đã giải tỏa được những thắc mắc, suy nghĩ về việc chọn ngành, nghề chuyên ngành nào của các bạn học sinh vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp đầy khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh. Mong rằng chuyên ngành Hệ Thống IoT của ngành Kỹ Thuật Điện Tử Viễn Thông do Khoa Viễn Thông 2 đào tạo sẽ là sự lựa cho của các bạn, một ngành học của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành học của xu hướng thế kỷ XXI. Để biết thêm chi tiết về ngành Kỹ Thuật Điện Tử Viễn Thông xem tại đây.
Chúc các bạn chọn được ngành học phù hợp và nhiều sức khỏe.
(*) IoT, viết tắt của Internet of Things, nghĩa là Internet vạn vật, một hệ thống các thiết bị tính toán, máy móc cơ khí và kỹ thuật số hoặc con người có liên quan với nhau và khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không yêu cầu sự tương tác giữa con người với máy tính. Hệ Thống IoT là chuyên ngành mới của ngành Kỹ Thuật Điện Tử Viễn Thông do Khoa Viễn Thông 2 đào tạo.