Ngành điện tử – viễn thông trong cách mạng 4.0

Ngành điện tử – viễn thông trong cách mạng 4.0

Là một ngành tác động chung đến nền kinh tế và ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành khác, Điện tử – Viễn thông (ĐT–VT) đang đóng góp vai trò quan trọng, tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, ngành ĐT–VT ngày càng thu hút các bạn trẻ đam mê khoa học công nghệ và là một trong những ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn nhất hiện nay.

Vai trò của ngành ĐT-VT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo PGS Nguyễn Hữu Thanh – Viện trưởng ĐT-VT: Ngành ĐT-VT là ngành gồm hai lĩnh vực chính: Điện tử với việc thiết kế các mạch điện tử, vi mạch, linh kiện điện tử và áp dụng chúng để phát triển các hệ thống điện tử sử dụng trong mọi mặt của đời sống, từ các hệ thống điện tử trong công nghiệp, hàng không, y tế cũng như hệ thống dân dụng. Viễn thông chuyên phát triển các hệ thống truyền thông bao gồm các hệ thống thu và phát để truyền thông tin qua một khoảng cách lớn, trong các môi trường truyền dẫn khác nhau. Các hệ thống truyền thông điển hình là điện thoại, mạng internet, hệ thống thông tin vệ tinh, các mạng cảm biến, hệ thống kết nối các thực thể vật lý trong internet vạn vật…

Trong thời gian gần đây, chủ đề “công nghiệp 4.0” được đưa ra thảo luận ở nhiều nơi, đây là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới, Công nghệ thông tin và Điện tử – Viễn thông đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố của thế giới số trong cách mạng công nghiệp thứ 4 sẽ là:

Trí tuệ nhân tạo (AI): Là ngành khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. Dữ liệu lớn (Big Data) và Khoa học dữ liệu (Data Science): bao gồm các công nghệ xử lí tập dữ liệu lớn và phức tạp mà các ứng dụng truyền thông không xử lí được. Internet vạn vật (IOT): mạng internet được sử dụng như một mạng toàn cầu kết nối các thiết bị công nghệ, trở thành một công cụ đóng vai trò tạo thành các dịch vụ, ứng dụng tiên tiến. “Các yếu tố trên đều dựa trên nền tảng công nghệ của ngành ĐT–VT và CNTT. Đây là hai ngành kỹ thuật mũi nhọn cho phép tạo ra cơ sở hạ tầng kết nối, trao đổi, thu thập, lưu trữ và xử lý nguồn thông tin khổng lồ của thế giới số và tạo ra các giá trị mới trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm. ĐT–VT có xu hướng tập trung vào cơ sở hạ tầng truyền thông cũng như các thiết bị phần cứng còn CNTT tập trung vào phần mềm và ứng dụng, hai ngành này hiện nay có xu hướng hội tụ và không còn ranh giới rõ rệt” – PGS Nguyễn Hữu Thanh cho biết.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành ĐT–VT

Nếu các cuộc cánh mạng công nghiệp trước đây chủ yếu tạo ra sự phân chia cơ cấu lực lượng lao động xã hội theo các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo cơ sở đưa đến một loại hình phân chia cơ cấu nhân lực mới với hai thành phần cơ bản: (1) nhân lực thừa hành (hành chính; vận chuyển, bảo trì; sản xuất theo dây chuyền); và (2) nhân lực sáng tạo (nhà sáng chế, thiết kế; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thử nghiệm; sáng tạo nghệ thuật). Cơ cấu ngành nghề sẽ có những thay đổi căn bản. Các ngành nghề truyền thống sẽ dần bị xóa nhòa và được thay thế bằng các ngành có tính tích hợp, liên ngành cao như Khoa học vật liệu, Điện – Điện tử Viễn thông – Công nghệ thông tin và truyền thông, Cơ – điện tử, Công nghệ môi trường. Thị trường lao động trong tương lai sẽ ngày càng hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ sư ngành ĐT–VT cần trang bị các kỹ năng mềm và năng lực sáng tạo để có thể làm việc trong các doanh nghiệp liên tục đổi mới nhằm đưa ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao với hàm lượng tri thức lớn.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm Cơ sở đào tạo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ đầu ngành trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế chuyên ngành.

Khi theo học ngành Điện tử – Viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bạn sẽ được trang bị kiến thức cơ sở cốt lõi và cần thiết về cấu kiện quang điện tử, mạch điện, điện tử tương tự, điện tử số và các quá trình xử lý tín hiệu.Bên cạnh đó còn có kiến thức toàn diện và hiện đại về viễn thông, kiến thức căn bản trong hội tụ điện tử – tin học – viễn thông, bao gồm cả lý thuyết, thực hành và thực tế mạng lưới.

Sinh viên sau tốt nghiệp có thể làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty, các phòng kỹ thuật, các viện nghiên cứu và các trường đại học về lĩnh vực điện tử viễn thông. Các tập đoàn và công ty thường tuyển dụng các kỹ sư viễn thông tốt nghiệp từ Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông Cơ Sở TP. Hồ Chí Minh bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt  Nam (VNPT), Tổng công ty Mobifone, Vinaphone, Tập đoàn Viễn thông quân đội (VIETEL)…

Xem thêm tại: https://ft.ptithcm.edu.vn/

Nguồn: hvcsnd.edu

Share