Tại sao nên học ngành Điện Tử Viễn Thông

Tại sao nên học ngành Điện Tử Viễn Thông

Ngành Kỹ Thuật Điện Tử Viễn Thông hướng đến tính liên ngành nhằm đáp ứng các vị trí công việc trong xu hướng hiện nay và mở rộng khả năng làm việc của sinh viên điện tử viễn thông trong các lĩnh vực khác nhau.

Ngành Kỹ Thuật Điện Tử Viễn Thông thuộc chương trình đào tạo của:

Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông

(Tên tiếng Anh: Posts and Telecommunications Institute of Technology, viết tắt: PTIT)

Mã trường: BVS

Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 11 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại liên lệ:  02.837.306.600 (Học viện), 02.838.295.260 (Khoa Viễn Thông 2)

Website: https://ft.ptithcm.edu.vn/tuyen-sinh-nam-2021/

Địa chỉ link đăng ký cho thí sinh: https://xettuyen.ptit.edu.vn/

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm Cơ sở đào tạo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ đầu ngành trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế chuyên ngành.

Học viện là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ có cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trong đó tập trung vào lĩnh vực Viễn thông, Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT – luôn là thế mạnh của Học viện với hơn 20 năm kinh nghiệm gắn kết giữa  đào tạo với nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp); có chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, nghiên cứu khoa học tiên tiến; có đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trình độ cao; có đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp và đồng bộ; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng, giữa khoa học và công nghệ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài khoa học, công nghệ; định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu ngang tầm với các đại học có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao; chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục và đào tạo, của Bộ Thông tin và Truyền thông về cơ cấu tổ chức và chuyên môn theo quy định của Chính phủ. Các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm bồi dưỡng đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn thuộc Học viện có quyền tự chủ cao, có tư cách pháp nhân được quy định trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học.

Tổng quan về ngành

THÔNG TIN VÔ TUYẾN VÀ MẠNG DI ĐỘNG. ngành Điện Tử Viễn Thông
THÔNG TIN VÔ TUYẾN VÀ MẠNG DI ĐỘNG

Ngành kỹ thuật điện tử truyền thông là một ngành rất quan trọng, đóng vai trò to lớn trong việc cung cấp nhân lực cho việc đảm bảo và phát triển các hệ thống thông tin quốc gia, phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin của con người.

Ngành kỹ thuật điện tử truyền thông dành cho sinh viên có sở thích và đam mê làm việc trong lĩnh vực công nghệ viễn thông và thông tin bao gồm nghiên cứu, chế tạo, thiết kế, vận hành, bảo dưỡng, các thống truyền dẫn thông tin, hệ thống vô tuyến, hệ thống thông tin di động, hệ thống xử lý tín hiệu âm thanh, hình ảnh và đa phương tiện, v.v. . Chương trình bao gồm các môn học liên quan đến các công nghệ tiêu biểu như thông tin di động và không dây, siêu cao tần và an-ten, mạng viễn thông và mạng máy tính, phát thanh truyền hình, xử lý số tín hiệu.

MẠNG VÀ DỊCH VỤ INTERNET. Ngành Điện Tử Viễn Thông
MẠNG VÀ DỊCH VỤ INTERNET

Chương trình sẽ đào tạo thành những kỹ sư có kiến thức chuyên môn và tay nghề cao, có thể hiểu rõ các nguyên lý hoạt động của các mạng viễn thông, hệ thống thông tin, có khả năng thiết lập mạng lưới, khai thác vận hành, nâng cấp các hệ thống, thiết bị điện tử-viễn thông, có thể nghiên cứu, thiết kế và phát triển hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ viễn thông, công nghệ vi mạch, bán dẫn, xử lý tín hiệu và thông tin trong công nghiệp và dân dụng.

Chuyên ngành IOT. Ngành Điện Tử Viễn Thông
Chuyên ngành IOT

Triển vọng nghề nghiệp

Sinh viên sau tốt nghiệp có thể làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty, các phòng kỹ thuật, các viện nghiên cứu và các trường đại học về lĩnh vực điện tử viễn thông. Các tập đoàn và công ty thường tuyển dụng các kỹ sư viễn thông tốt nghiệp từ Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông Cơ Sở TP. Hồ Chí Minh bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt  Nam (VNPT)Tổng công ty Mobifone, Vinaphone, Tập đoàn Viễn thông quân đội (VIETEL), Tổng công ty Truyền thông đa  phương tiện Việt Nam (VTC), Tổng công  ty Hàng không Việt Nam, tập đoàn FPT, tập đoàn CMC, các đài truyền hình, đài phát thanh thành phốvà các tỉnh (HTV, VTV, VOH).  Các tập đoàn, công ty đa quốc gia bao gồm: Intel, Misfit, Renesas, TMA.

Theo thống kê sơ bộ:

  • 95% kỹ sư tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn sau 3 tháng tốt nghệp.
  • Mức lương trung bình của kỹ sư mới ra trường theo thống kê sơ bộ năm 2020 là từ 15 đến 60 triệu.

Xem thêm:

[1] “Ngành kỹ thuật điện tử – truyền thông: Không lo thiếu việc làm”: https://nld.com.vn/giao-duc/nganh-ky-thuat-dien-tu-truyen-thong-khong-lo-thieu-viec-lam-20170628182631078.htm 

[2] “Ngành điện tử – viễn thông và CNTT trong cách mạng 4.0”: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nganh-dien-tu-vien-thong-va-cntt-trong-cach-mang-40-20170717154101454.htm

Phương thức tuyển sinh 

Phạm vi tuyển sinh: Học viện tuyển sinh trên phạm vi cả nước.

Phương thức xét tuyển: Theo như phương thức của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Vui lòng xem thông tin chi tiết ở: http://hcm.ptit.edu.vn/ptit-tuyen-sinh)

Tổ chức tuyển sinh:

  • Thời gian xét tuyển: Theo lịch xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Hình thức nhận hồ sơ ĐKXT: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Các điều kiện xét tuyển: Không tổ chức sơ tuyển

Các câu hỏi thường gặp – FAQ

Câu hỏi: Ngành Viễn thông khác gì với ngành Điện tử Viễn thông?

Trả lời: Ngành Viễn thông là một tên gọi khác, ngắn gọn hơn, của ngành Điện tử Viễn thông, hay còn gọi là Điện tử Truyền thông. Trong ngành Điện tử Viễn thông, điện tử là kiến thức cơ sở ngành, viễn thông là kiến thức chuyên ngành. Một kỹ sư viễn thông ngoài kiến thức chuyên môn về viễn thông còn được học và biết về điện tử.

Vì vậy, kỹ sư điện tử viễn thông tốt nghiệp từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viến thông, cơ sở tại TP. HCM có thể làm trong lĩnh vực điện tử hay lĩnh vực viễn thông. Ngoài ra, bạn còn có thể làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi xu hướng hiện nay điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin ngày càng pha trộn lẫn nhau.

Câu hỏi: Điểm chuẩn vào ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông là bao nhiêu?

Trả lời: Điểm chuẩn vào ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), cơ sở tại TP. HCM, trong 3 năm gần đây là: năm 2017: 19.5;  năm 2018: 17.0; năm 2019: 17.0.

Câu hỏi: Chương trình học ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông kéo dài trong bao nhiêu lâu?

Trả lời: Chương trình học ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông bao gồm 145 tín chỉ, được học trong 9 học kỳ. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, sinh viên sẽ hoàn thành chương trình, tốt nghiệp sau 4,5 năm. Sinh viên sẽ đi thực tập tốt nghiệp sau học kỳ thứ 8 và sẽ làm đồ án tốt nghiệp trong học kỳ thứ 9.

Câu hỏi: Ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khác với các trường khác như Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM như thế nào?

Trả lời: Đại học Bách Khoa TP. HCM có xu hướng đào tạo chuyên sâu về kiến thức cơ bản và chương trình ít kiến thức chuyên sâu về công nghệ.

Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh có xu hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế điện tử.

Nếu bạn yêu thích về công nghệ viễn thông, đặc biệt là về mạng máy tính, mạng viễn thông, thông tin vô tuyến và công nghệ internet vạn vật (IoT) cùng với một ít sở thích về khởi nghiệp, ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), cơ sở tại TP. HCM là sự lựa chọn phù hợp với bạn.

Câu hỏi: Học phí của ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông là bao nhiêu?

Trả lời: Học phí tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), cơ sở tại TP.HCM được thu theo học kỳ, tùy theo số tín chỉ mà sinh viên đăng ký học trong học kỳ đó. Trong năm học 2019 – 2020, đơn giá một tín chỉ của khối các ngành kỹ thuật là 480.000 đồng/tín chỉ. Chương trình học ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông bao gồm 145 tín chỉ, được học trong 9 học kỳ.

Câu hỏi: Cơ hội việc làm của ngành điện tử viễn thông là như thế nào?

Trả lời: Ngành Điện tử Viễn thông (ĐTVT) và Công nghệ Thông tin (CNTT) là hai ngành đóng vai trò quan trọng trong xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Sinh viên tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông có thể được tuyển dụng vào các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Viettel, FPT Telecom, Mobifone, Vinaphone, SCTV … và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp về mạng viễn thông, chế tạo thiết bị và kinh doanh thiết bị về viễn thông như Ecricsson, Huawei, ACE Technologies, Sao Bắc Đẩu, CT-IN …

Một số thông tin tuyển dụng gần đây:[Công ty TMA Solutions tuyển sinh viên thực tập Khóa 33 (thời gian thực tập bắt đầu từ tháng 5/2021)]

Câu hỏi: Sau khi học xong, em muốn về quê, với ngành này em muốn kiếm việc ở quên là có được không?

Trả lời: Tất nhiên là có. Các dịch vụ viễn thông (điện thoại, internet, truyền hình …) và các dịch vụ dựa trên nền tảng viễn thông đã và đang được cung cấp tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn hiện nay như VNPT, Viettel, Mobifone, FPT Telecom, SCTV, ….

Do vậy, nhu cầu về nhân lực chuyên môn về ngành viễn thông luôn có tại các tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, với uy tín của Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông, bạn sẽ nhiều cơ hội việc làm khi quyết định về quê.

Câu hỏi: Mức lương của kỹ sư ngành điện tử viễn thông có cao không?

Trả lời: Mức lương của kỹ sư ngành điện tử viễn thông tùy thuộc vào năng lực chuyên môn, vị trí công việc và kinh nghiệm của ứng viên.

Nếu bạn là kỹ sư mới ra trường, mức lương cơ bản của các công ty thường là từ 7 triệu chưa kể phụ cấp.

Bạn có thể tham khảo qua các thông tin tuyển dụng gần đây như:

Câu hỏi: Các công ty mà sinh viên có thể làm sau khi tốt nghiệp là công ty nào?

Trả lời: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành điện tử viễn thông có thể làm việc tại các công ty sau:

  • Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Viettel, FPT Telecom, Mobifone, Vinaphone, SCTV …
  • Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp về mạng viễn thông, chế tạo thiết bị, kinh doanh thiết bị về viễn thông như Ecricsson, Huawei, ACE Technologies, Sao Bắc Đẩu, CT-IN …
  • Các công ty thiết kế chip, cung cấp dịch vụ về phần mềm và phần cứng cho ngành viễn thông như: Renesas, TMA Solutions, DEK Technologies, DXC Technology, Robert Bosch Engineering and Bussiness Solutions, …

Câu hỏi: Học ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cơ sở tại TP.HCM có thể đi du học không?

Trả lời: Khoa Viễn thông 2 (khoa phụ trách ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cơ sở tại TP.HCM) là đơn vị rất có uy tín về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay. Các bạn sinh viên ngành điện tử viễn thông sau khi ra tốt nghiệp có kết quả học tập và nghiên cứu tốt hoàn toàn đủ khả năng để xin học bổng và du học tại nước ngoài như Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, …

Câu hỏi: Em là nữ, em đăng ký học ngành điện tử viễn thông, có phù hợp không? Ra trường em có dễ xin việc làm không?

Trả lời: Trong ngành điện tử viễn thông có nhiều mảng công việc mà các bạn nữ hoàn toàn có thể làm tốt và phù hợp với khả năng, sức khỏe của mình. Ví dụ như: thiết kế chip, thiết kế và lập trình cho thiết bị viễn thông, mạng viễn thông, cung cấp giải pháp và kinh doanh thiết bị viễn thông, … Hiện nay, nhu cầu nhân lực cho các mảng công việc trên rất nhiều, nên bạn cũng sẽ có rất nhiều cơ hội để có một vị trí công việc tốt sau khi tốt nghiệp.

Câu hỏi: Em yêu thích lập trình, em có thể học ngành điện tử viễn thông không?

Trả lời: Trong ngành điện tử viễn thông, có thể chia làm hai mảng công viêc liên quan đến phần cứng và phần mềm của thiết bị và hệ thống viễn thông. Trong đó, mảng phần mềm đòi hỏi người vận hành phải có khả năng lập trình, thiết kế, khai báo dịch vụ trên máy tính và trên thiết bị. Vì vậy, nếu em thích lập trình thì hoàn toàn phù hợp với ngành điện tử viễn thông.

Nếu em yêu thích lập trình, em có thể chọn định hướng nghề nghiệp là kỹ sư nghiên cứu hay kỹ sư mạng máy tính, hay kỹ sư hệ thống Internet vạn vật (IOT). Tất cả các vị trí trên đều liên quan trực tiếp đến lập trình.

Câu hỏi: Ngành điện tử viễn thông có khó không? So với ngành công nghệ thông tin là như thế nào?

Trả lời:  Ngành Điện tử Viễn thông (ĐTVT) và Công nghệ Thông tin (CNTT) là hai ngành gần với nhau, cùng thuộc nhóm ngành Thông tin – Truyền thông (ICT). Trong đó, ngành ĐTVT tập trung vào phần truyền thông tin, làm việc trên thiết bị và hệ thống truyền thông. Ngành CNTT tập trung vào phần mềm và quản lý thông tin, làm việc trên máy tính và mạng máy tính. Như vậy, mỗi ngành có đặc thù và các yêu cầu/độ khó khác nhau. Việc học/việc làm khó hay dễ như thế nào thì tùy thuộc vào sự tập trung học tập/làm việc của người học và quan trọng là khả năng và sự yêu thích của người học. Vì vậy, các bạn khi chọn ngành để học cần cân nhắc kỹ khả năng và sở thích của mình có phù hợp với ngành học hay không.

Câu hỏi: Em không quá giỏi toán, em có thể học ngành điện tử viễn thông không?

Trả lời:  Toán là môn học nền tảng cho tất cả các ngành kỹ thuật nói chung và ngành điện tử viễn thông nói riêng. Người học giỏi toán là một lợi thế khi theo học ngành điện tử viễn thông. Tuy nhiên, không bắt buộc người học phải rất là giỏi toán. Với mức độ trung bình khá trở lên thì bạn vẫn có thể tiếp thu được các kiến thức của ngành và làm việc tốt, nhất là với các mảng công việc mang tính ứng dụng.

Câu hỏi: Em yêu thích làm phần cứng mạng, em có thể học ngành điện tử viễn thông không?

Trả lời:  Mạng máy tính là một phần của mạng viễn thông, có trong chương trình đào tạo của ngành điện tử viễn thông. Vì vậy, nếu bạn thích làm phần cứng mạng thì ngành điện tử viễn thông là một lựa chọn tốt cho bạn.

Câu hỏi: Em yêu thích về điện thoại di động, em có thể chọn chuyên ngành nào? Ra trường em sẽ làm việc gì?

Trả lời:  Nếu bạn thích lập trình, tạo game, tạo ứng dụng trên điện thoại di động thì bạn có thể chọn ngành công nghệ thông tin hay công nghệ đa phương tiện. Nếu bạn muốn biết cơ chế hoạt động của điện thoại di động, cách thức truyền thông tin, cung cấp dịch vụ cho thiết bị di động thì bạn có thể chọn ngành điện tử viễn thông, chuyên ngành vô tuyến. Khi ra trường, bạn có thể làm việc tại các công ty như Mobifone, Viettel, Vinaphone, …

Câu hỏi: Trong quá trình học đi thực tập mấy lần? Trường có giới thiệu nơi thực tập cho sinh viên không? Thực tập có lương không?

Trả lời:  Sinh viên sẽ đi thực tập 1 lần sau khi kết thúc học kỳ 8. Với vai trờ quản lý ngành đào tạo, Khoa Viễn thông 2 thường xuyên làm việc với các công ty, doanh nghiệp về việc hợp tác, tiếp nhận và tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cơ sở tại TP.HCM, đi kiến tập và thực tập tại đơn vị. Sinh viên sẽ chủ động chọn nơi thực tập cho mình theo hướng dẫn của Khoa và giáo viên hướng dẫn. Hình thức thực tập như thế nào, có lương, phụ cấp hay không, tùy thuộc vào đơn vị thực tập. Ví dụ như thông tin tuyển thực tập sinh của Viettel Net:

Câu hỏi: Em thích ngành điện tử viễn thông nhưng ba mẹ nói em không có năng khiếu nên không đồng ý. Vậy em nên nói gì để thuyết phục được ba mẹ?

Trả lời:  Trước tiên, em nên tìm hiểu kỹ về ngành điện tử viễn thông để xem có giống như những gì mình nghĩ hay không. Em sẽ thấy ngành điện tử viễn thông sẽ có nhiều mảng công việc khác nhau liên quan đến phần cứng, phần mềm, kỹ năng lập trình, kỹ năng giao tiếp … Nếu em thấy khả năng của mình có thể đáp ứng được một mảng công việc trong đó và đúng với sở thích của mình thì có nghĩa là ngành điện tử viễn thông phù hợp với mình. Khi đó, em sẽ đem những gì mình tìm hiểu được để trình bày lại với ba mẹ. Chắc là ba mẹ sẽ đồng ý với lựa chọn của em thôi.

Câu hỏi: Em thích ngành điện tử viễn thông nhưng ba mẹ nói em không có năng khiếu nên không đồng ý. Vậy em nên nói gì để thuyết phục được ba mẹ?

Trả lời:  Trước tiên, em nên tìm hiểu kỹ về ngành điện tử viễn thông để xem có giống như những gì mình nghĩ hay không. Em sẽ thấy ngành điện tử viễn thông sẽ có nhiều mảng công việc khác nhau liên quan đến phần cứng, phần mềm, kỹ năng lập trình, kỹ năng giao tiếp … Nếu em thấy khả năng của mình có thể đáp ứng được một mảng công việc trong đó và đúng với sở thích của mình thì có nghĩa là ngành điện tử viễn thông phù hợp với mình. Khi đó, em sẽ đem những gì mình tìm hiểu được để trình bày lại với ba mẹ. Chắc là ba mẹ sẽ đồng ý với lựa chọn của em thôi.

Câu hỏi: Chương trình đào tạo ngành điện tử viễn thông được giảng dạy bằng tiếng Anh hay tiếng Việt và có giảng viên người nước ngoài tham gia giảng dạy không?

Trả lời: Chương trình hiện nay chỉ đào tạo bằng tiếng Việt. Theo kế hoạch sắp tới, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cơ sở tại TP.HCM sẽ mở ngành đào tạo chất lượng cao, giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh và có thể có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy.

Câu hỏi: Em được biết học phí của chương trình trên website. Vậy cho em hỏi học phí này có phát sinh gì thêm không và trường có chính sách hỗ trợ học phí dành cho sinh viên không?

Trả lời: Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cơ sở tại TP.HCM, học phí được thu theo học kỳ căn cứ vào số tín chỉ mà sinh viên đăng ký nhân với đơn giá của một tín chỉ. Trong các học kỳ sau, tùy theo số tín chỉ sinh viên đăng ký học và đơn giá tín chỉ tại thời điểm đăng ký, học phí của mỗi học kỳ sẽ thay đổi.

Mỗi học kỳ, Học viện đều có học bổng khuyến khích dành cho sinh viên đạt kết quả cao trong học tập và các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Câu hỏi: Chương trình học chú trọng thực hành, cụ thể là có những ứng dụng như thế nào?

Trả lời: Các ứng dụng thực tế mà sinh viên có thể thực hành: hàn nối sợi quang, đo thử tuyến quang bằng máy đo công suất, máy đo OTDR là những máy đo đang được sử dụng trên mạng lưới …

Câu hỏi: Trường có đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp không?

Trả lời: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có xin được việc làm phù hợp, đúng chuyên ngành đào tạo hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là năng lực của ứng viên và nhu cầu tuyển dụng của các công ty tại thời điểm tuyển dụng. Trường không thể đảm bảo bảo cho tất cả sinh viên về việc này được. Tuy nhiên, Khoa Viễn thông 2 có thể khẳng định: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn nằm trong top đầu trong danh sách các trường đại học hay nơi đào tạo mà các công ty mong muốn tuyển dụng cho các vị trí công việc liên quan đến lĩnh vực điện tử viễn thông.

Share